trang chủ tin tức xe Những hạng mục cần lưu ý khi mua bảo hiểm vật chất cho ô tô mới

Những hạng mục cần lưu ý khi mua bảo hiểm vật chất cho ô tô mới

Theo các chuyên gia bảo hiểm, tuỳ giá trị của từng mẫu ô tô mà chủ nhân tính toán lựa chọn những hạng mục bảo hiểm cần thiết, hữu ích cho xe.

Thông tin từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tiền chi trả bồi thường bảo hiểm vật chất xe cơ giới là 3.386 tỷ đồng, chiếm 48,3% tổng doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm này (7.010 tỷ đồng).

Như vậy, tổn thất xe cơ giới ở Việt Nam có tỷ lệ rủi ro cao, do tình hình TNGT còn tiềm ẩn nhiều phức tạp khó lường.

mua bảo hiểm vật chất cho ô tô mới cần lưu ý đến hạng mục nào?

Bảo hiểm thủy kích và ngập nước có thể đỡ rất nhiều chi phí cho chủ xe nếu không may bị ngập nước.

Về câu hỏi, mua bảo hiểm vật chất cho ô tô mới cần lưu ý đến hạng mục nào? Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH tư vấn dịch vụ bảo hiểm InFair), kinh nghiệm chung là, nếu chiếc xe có giá trị trung bình (trên dưới 1 tỷ đồng) thì tối thiểu nên mua bảo hiểm thân vỏ và ngập nước (thủy kích), còn với trường hợp là các dòng xe sang (từ 2 tỷ đồng trở lên) thì nên mua thêm bảo hiểm mất cắp bộ phận.

Bảo hiểm thân vỏ là bảo hiểm vật chất tự nguyện cơ bản và phổ biến nhất trên thế giới, chia sẻ gánh nặng với chủ xe trong những tình huống hàng ngày không lường trước, như bị xe khác tông vào, va quệt trên đường hay đơn giản nhất là đá văng lên kính, cành cây rơi trúng nóc.

Mức phí bảo hiểm vật chất thường niên được các hãng bảo hiểm xây dựng dựa trên giá trị xe tại thời điểm mua bảo hiểm, thường là 1,5 - 2% giá trị xe.

Ví dụ chiếc xe mới mua có giá niêm yết là 1 tỷ đồng, thì khoản phí bảo hiểm vật chất thân vỏ năm đầu tiên vào khoảng 15 - 20 triệu đồng, những năm tiếp theo giảm dần tương ứng hao mòn tự nhiên của xe, như bảng dưới.

Xe mới mua

100% giá trị

Xe sử dụng 1 - 3 năm

85%

Xe sử dụng 3 - 6 năm

70% giá trị

Xe sử dụng 6 - 10 năm

55% giá trị

Xe sử dụng trên 10 năm

40% giá trị

Loại bảo hiểm tự nguyện thứ hai nên mua, là gói bảo hiểm thủy kích (hoặc bảo hiểm ngập lụt do thiên tai), nhưng không phải công ty bảo hiểm nào cũng cung cấp dịch vụ này nên cần hỏi rõ phía hãng bảo hiểm có bán sản phẩm này không.

“Chi phí sửa chữa xe bị tổn thất thủy kích, ngập nước là khá lớn, đặc biệt đối với những dòng xe nhập khẩu thì thiệt hại do thủy kích có thể từ vài trăm triệu đến hơn nửa tỷ đồng, nên hãy chú ý thật kỹ và đừng tiếc tiền mua kèm bảo hiểm thủy kích”, ông Xuân đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, có một số công ty bảo hiểm cung cấp gói dịch vụ cứu hộ trong phí bảo hiểm, khách hàng cân nhắc, vì nếu xảy ra tình huống phải gọi cứu hộ, chi phí thực trả có thể rất đắt.

Đơn cử, trong những ngày mưa gió vừa qua tại Hà Nội, chi phí cứu hộ xe bị ngập nước trong nội thành là 600 nghìn đến 1 triệu đồng/lượt, nếu mua bảo hiểm thì chi phí này được bảo hiểm thanh toán.

Về điều khoản vận dụng trong hợp đồng bảo hiểm, cần lưu ý một số công ty bảo hiểm chỉ hoàn trả chi phí cứu hộ nếu khách hàng có mua thêm quyền lợi lựa chọn garage sửa chữa và có hạn chế về phạm vi và điều kiện cứu hộ.

Chi phí sửa chữa ở garage chính hãng có thể cao hơn 15% - 20% nên trong bảng chào giá của nhiều công ty bảo hiểm khách hàng phải trả thêm phí nếu muốn được tự chọn garage sửa chữa.

Điểm đáng chú ý cuối cùng, chủ xe nên tìm hiểu danh sách những garage chính hãng do công ty bảo hiểm trực tiếp thanh toán sẽ nhanh gọn tiện lợi hơn về mặt thủ tục, vì việc yêu cầu bồi hoàn từ công ty bảo hiểm với garage bên ngoài có thể sẽ mất nhiều thời gian và thủ tục phức tạp khác, đôi khi gây phiền toái cho chủ xe.

(Theo xe.baogiaothong.vn)

xe mới về